Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Hải Vân Quan tuy but

THƠ ĐỀ TRÊN VÁCH NÚI YÊN SƠN




Yên sơn cỏ núi xanh rì,
Qua đây lòng thấy hình như…hết sầu.
Hỡi người thơ cõi tiên đâu ?
Ra đây ta dốc dăm bầu… rưọu say …

Yên sơn một dãi trời mây ,
Sông xây nước biếc , non xây núi vàng.
Một vùng hoa gấm mênh mang,
Trăng lên quyện với tơ vàng… vương vương…

Yên sơn một dãi khói sương,
Thơ ,trăng ,hoa, bạn ,tình vương ý nồng.
Rượu vào thơ rót bên sông,
Bạn, hoa, thơ, rượu bềnh bồng… trời mây…

Dương Lam [vophubong]


=======================




Hải Vân Quan
tuỳ bút ngọc thủy


Hải Vân mây trắng đường ra Huế
mình ước về thăm Vỹ Dạ chơi
bằng chiếc đò ngang băng nước biếc
ngó ra Mang Cá thấy chân trời...

n.t.

   Sau khi ở Non Nước, rời bãi biển Mỹ Khê và Cảng Tiên Sa, chúng tôi thẳng đường ra Huế. Tôi vui thích lắm vì đây là niềm mong ước từ lâu. Lớn lên từ quê hương khói lửa, chiến tranh cứ mãi lan tràn, tôi luôn ước ao có một ngày đất nước thanh bình, tôi sẽ được đi thăm tất cả danh lam thắng cảnh của quê hương. Nào Huế với bao cổ kính mộng mơ, Hà Nội ba mươi sáu phố phường với Đồ Sơn, chùa Hương, Hạ Long.v.v... mà tôi chỉ được biết và mến yêu qua những trang sách học. Vậy mà khi quê hương ngừng tiếng súng, đời sống tôi lại bị đẩy ra xứ người bởi không thể sống được dưới xã hội chủ nghĩa cộng sản. Mãi cho đến hôm nay, tôi mới có dịp ra thăm Huế lần đầu.

   Xe chạy một đoạn theo con đường ven biển, chầm chậm lên dốc qua đèo Hải Vân. Phong cảnh bắt đầu mở rộng bầu trời phóng khoáng, rồi choáng ngợp cả hồn tôi khi trước mắt hiện ra một giải núi non biển rộng trải dài dưới chân đèo cao. Mây trắng lướt theo làn sóng bạc nhấp nhô xa xa tít trùng khơi. Từ nền trời một mầu xanh lơ hòa cùng mầu đại dương ngọc bích, ngời biếc lên ánh xanh lam của núi, tươi xanh của lá cây rừng, lóng lánh bãi cát trắng chạy dài ôm ấp lượn cong theo bờ biển bao la. Đẹp tuyệt vời!

   Đường đèo dốc quanh co, rừng núi điệp trùng, lại thêm mùa này có hoa dây leo mầu trắng nở khắp sườn núi cheo leo tạo cảnh thiên nhiên thêm phần mỹ lệ thắm tươi dưới nắng chiều long lanh. Tới eo biển Lăng Cô, cảnh đẹp càng thêm độc đáo

với hàng dừa xanh lả ngọn bên ven bờ cát trắng, làng chài san sát thuyền bè neo bến hoặc đang ra khơi tung lưới trên mặt biển êm đềm.

   Trên đỉnh đèo Hải Vân hôm đó, tôi đã rung động đến lặng người trước cảnh đẹp như bức tranh thủy mạc mơ màng. Mây ngũ sắc chiếu từ không gian lồng lộng xuống làn nước biếc, lung linh.. Đứng từ đỉnh núi cuối cùng của dãy Trường Sơn với độ cao 496m này, mới thấy hết được cái vẻ đẹp hoành tráng và kỳ ảo của trời mây non nước thấm nhập vào hồn như thế nào mà lặng say ngây ngất thế. Tôi muốn nói thật to cho những ai chưa qua đèo Hải Vân, chưa từng đến Huế như tôi biết rằng, đường đi của núi qua sông biển Thừa Thiên đẹp như gấm bạc tơ trời dệt nên. Vì thế, tôi vội bước vào gian bưu điện nhỏ ngay đấy mua mấy tấm thiệp chụp cảnh núi Hải Vân ngó xuống lòng biển Đông Hải, gởi ngay cho người bạn thân và con bé Thủy Tiên vài hàng chia xẻ cảm xúc của tôi trong lúc này. Dù đang đứng trước khúc quẹo vòng nguy hiểm của hai chiều xe lên xuống, nhưng tôi cũng ráng băng qua đường bằng sự thận trọng để đến gần ngôi thành lũy cũ, đã trải qua bao mùa mưa nắng rêu phong vẫn sừng sửng đứng giữa ranh giới Quảng Nam và Thừa Thiên. Trường Sơn mây trắng vẫn bay bay. Đường đi này năm xưa đã in dấu bao gót giày hành quân xuôi ngược của những người lính trận sơn khê, miệt mài sương gió để tạo yên bình cho đất nước thắm tươi. Trong những lớp mây bàng bạc kia, hình như có hồn thiêng của những người chiến sĩ VNCH can trường đã hy sinh cho bờ cõi miền Nam Tự Do thân yêu, lãng đãng bay trên bầu trời cao rộng thênh thang, bởi khí hùng xương máu ấy vẫn kết tụ nơi đỉnh trời này, chưa tan!

   Ngừng lại hơn nửa tiếng để ngắm cảnh, chụp hình, đoàn xe lại tiếp tục chạy quanh vòng núi xuống chân đèo. Đường ra xứ Huế lần đầu với tôi hôm nay xôn xao bao cảnh đẹp như thơ khiến lòng tôi thêm yêu mến dạt dào.

   Đường quanh co vượt đèo qua núi qua sông, qua Phú Vang - Hương Trà - Hương Thủy rồi đưa chúng tôi vào thành phố Huế khi nắng chiều còn vàng tươi óng ả. Giòng sông Hương từ những trang thơ, nhạc đang hiện ra êm ả chảy nhẹ vào tâm hồn tôi giòng nước mát xanh dưới chân cầu An Hoà. Giòng sông uốn khúc dài gần một trăm cây số, xuôi chảy khắp ngả đường đồi núi đất Thần Kinh với bao huyền thoại nắng đục mưa trong, đã tạo nên bao nguồn thơ văn lai láng cho những người dân Cố Đô để truyền cảm lại nỗi niềm yêu mến Huế đến bao người khách lạ phương xa.



Viếng Lăng Minh Mạng
   Lăng tẩm đầu tiên chúng tôi dừng chân ghé thăm là lăng vua Minh Mạng (Hiếu Lăng). Đường vào Lăng đi qua rừng thông vi vu trên đồi núi Hiếu Sơn (Cẩm Kê) nằm thoai thoải vắt ngang giòng sông xanh biếc. Xe ngừng ở đầu đường khá xa để chúng tôi đi bộ vào. Bên lề đường phía tay phải là những gian hàng bán quà lưu niệm, nước giải khát, trái cây. Dù những người bán hàng đua nhau lên tiếng mời mọc nhưng chúng tôi lắc đầu từ chối hẹn lúc trở ra vì còn phải vào trong cho kịp bước chân người hướng dẫn.

   Đoàn người đi vào bằng cánh cổng phụ Tả Hồng Môn, bên trong khuôn viên La Thành nằm vuông vắn xinh đẹp dưới nắng chiều êm ả. Ngay cổng vào có tấm bảng lớn ghi Lăng Minh Mạng được xây từ năm 1940 đến 1943 gồm khoảng 35 công trình kiến trúc được bố trí đối xứng qua đường trục chính (thần đạo) dài 700m. Chúng tôi đi qua con đường lát gạch  một khoảng ngắn có khu vườn râm bóng mát cổ thụ hai bên rồi rẽ trái bước lên cầu đá để tới sân chầu nối từ cổng Đại Hồng Môn (cửa chính tam quan chỉ mở cho vua ra vào, và đã khép lại từ ngày vua băng hà cho tới nay) đến Bi Đình là nơi dựng thờ văn bia ghi tiểu sử, công đức và công trạng của nhà vua trong suốt thời trị vì được khắc trên tấm bia đá cẩm thạch màu xám xanh to lớn. Qua sử sách ghi chép, được biết vua Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, con thứ của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu, lên ngôi Hoàng đế năm 1820 cho đến năm 1941, trị vì quốc thái dân an được hai mươi mốt năm thì mất lúc mới năm mươi tuổi trong sự thương tiếc của triều đình và muôn dân. Lăng tẩm này vừa được khởi công một năm còn dở dang nên vua Thiệu Trị lúc lên ngôi kế vị tiếp tục cho xây cất theo đúng đồ án của vua cha để lại, đến hai năm sau mới hoàn thành xong tốt đẹp.



  Đứng giữa vuông sân chầu lát gạch Bát Tràng có tượng lính, voi, ngựa hầu hai bên, vừa ngắm cánh cổng Đại Hồng Môn nghiêm trang khép kín từ lần cuối tiễn vua vào mộ Bảo Thành, Những mái vòm rêu phủ vẫn ngước nhìn trời cao dõi theo từng áng mây ngày tháng trôi qua dẫu cánh cửa vàng son thuở nào đã loang màu mưa nắng phai nhạt với thời gian, vừa nhìn hoa sen nở trên mặt hồ Trừng Minh cùng cảnh núi đồi bao quát chung quanh, tôi thấy những giây phút mình được mục kích cảnh trí này thật là thú vi..





   Lối kiến trúc theo một đường thẳng xuyên từ Đại Hồng Môn tới các cổng Hiển Đức Môn, Hoàng Trạch Môn băng qua các dãy tẩm điện nguy nga với cảnh đối xứng hai bên ngắm nhìn rất thuận lợi, chẳng hạn từ cầu Trung Đạo nằm giữa xuyên tâm sẽ thấy được Nghênh Lương Quán bên tay phải và Điếu Ngư Đình bên tay trái song song. Từ lầu các Minh Lâu nằm giữa đồi Tam Tài Sơn có Bình Sơn và Thành Sơn hai bên tả hữu, bắt qua chiếc cầu dài Thông Minh Chính Trực thẳng tới cuối góc La Thành là ngôi mộ vua nằm trên đồi thông khuất dấu trong bờ tường cao đã phủ xám rêu phong. Lúc ấy mặt trời sắp ngả về Tây, nên ánh chiều bổng rực bóng hoàng hôn trước lúc tàn ngày, soi chiếu xuống rừng thông trên đồi mộ vua nét vẻ vừa u trầm tịch mịch vừa tráng lệ nên thơ. Có lẽ đã mỏi chân và nhìn chiếc cổng im lìm đóng kín lâu năm không bao giờ mở ra như lời Vũ cho biết, mọi người đứng lại bên này chiếc cầu gỗ nhìn sang. Nhưng chính chiếc cổng bằng thạch đá im lìm khóa kín đó đã lôi cuốn tôi và vài người nữa đi qua chiếc cầu gỗ khá dài, leo lên ba mươi sáu bậc đá gạch để cố nhìn xem bên trong vòng cung bức tường Bảo Thành này ra sao. Kiểng chân lên, ghé sát mắt vào, tôi chẳng thấy được gì ngoài cây cỏ mọc đầy (đến bây giờ cũng không ai biết được long thể vua nằm ở đâu vì đã bị xóa mất dấu sau khi chôn để giữ phần cẩn mật), rừng thông lao xao cùng tiếng gió vút qua từng chập tựa chuyện đời thoảng như gió cuốn, như mây bay. Gác tía, lầu son hay cung điện, đền rồng rồi cũng chỉ còn lại chốn hư không, u tịch như thế này thôi. Nhưng kể ra, đâu có mấy ai và thật sự chỉ có vài vị vua diễm phúc mới hưởng được cõi sống chết huy hoàng như thế cùng với lăng tẩm của mình xây dựng được giữa lòng đất nhân gian.





   Ngó lui một lần cuối nơi an giấc ngàn thu của vị vua tài đức nhà Nguyễn mà tôi rất kính ngưỡng về bác học uyên thâm, lòng hiếu thảo, nhân từ luôn lấy trí nghĩa trị dân, sính chuộng thơ văn của ngài đã bày tỏ tâm tình qua những câu thi phú được truyền bá như:

‘học đạo suy ra làm đạo trị,

lòng dân lòng trẫm một tâm can’.

   Và ngài cũng không quên việc ca ngợi sông Hương đã mang lại không những vẻ đẹp nên thơ cho kinh thành mà còn bao điều lợi ích khác:

‘nguồn sạch lại dài đường

đâu chỉ có thơm hương

vị ngọt giúp dân uống

lặng lẽ khỏi đê phòng

uốn khúc chầu đất phước

quanh co thế ao vàng

Thuận Hóa non nước đẹp

mưu đồ vạn thế xương’.





   Tâm hồn vua cũng chứa chan bao xúc cảm rung động trước vẻ đẹp tạo hóa luôn tiềm ẩn triết lý sống mà ngài đã nhận ra:

‘trăng quá mười lăm vẫn sáng trong

còn hơn đêm trước có sương giăng

lung linh như vậy còn chưa đủ

sợ thế gian kia khó tỏ tình’.

    Vừa đi vừa nhẩm đọc mấy câu thơ của vua Minh Mạng, tôi dừng lại giữa cầu nhìn xuống mặt hồ Tân Nguyệt trôi trôi giòng nước êm êm chảy vòng quanh chân đồi Bảo Thành, vài cụm sen trắng nở đưa lên mùi thơm thoảng dịu chẳng biết có bay được qua bên kia rừng thông yên vắng cho hồn thơ người nằm đó chút hương xưa gợi nhớ những đêm trăng vàng mộng mơ, thanh nhã. Nhìn bóng mình cũng nhập nhòa dưới làn nước lung linh, tôi thầm nghĩ không biết đến bao giờ mình có thể trở lại nơi đây, nếu không còn dịp nữa, xin chút hương sen bay tỏa hôm nay thơm đọng mãi trong lòng người đã có một lần dừng chân soi bóng, luyến lưu cảnh tình xinh đẹp giữa thiên nhiên thoáng đãng của một Lăng Tẩm thơ mộng hài hòa cùng lối kiến trúc dày công tinh xảo, uy nghi.





   Trên đường về, xe chúng tôi đi qua Lăng vua Thiệu Trị (Xương Lăng) tọa lạc khiêm cung xinh xắn bên chân núi Thuận Đạo thuộc huyện Hương Thủy, với diện tích chu vi nhỏ hơn Lăng vua Minh Mạng nhưng cảnh trí không kém phần lôi cuốn êm đềm bởi đường nét kiến tạo uy nghiêm, giản dị như đức tính hiền hòa nhân ái nơi vị vua trẻ tuổi mà người dân luôn xưng tụng ngợi ca dù ngài chỉ  ở ngôi báu tròn đúng bẩy năm rồi đột ngột từ trần với tuổi mới ngoài bốn mươi. Vua Thiệu Trị, người có cái tên khá lạ và đẹp là Nguyễn Phúc Miên Tông, cũng rất yêu chuộng thơ văn và cảnh đẹp thiên nhiên nên để lại rất nhiều bài thơ Đường vịnh cảnh như bài thơ cảm xúc về buổi sớm dạo Sông Hương:



‘Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành

Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh

Ba bình Hương Thủy lung yên sắc

Chu trục thần phong động lỗ thanh

Thiên tửu vị can nhu ngạn thọ
Sơn hoa do luyến kết vân anh

Ký hồi hà yết Thương lang khúc

Song khuyết phương thăng thọ nhật minh’.

   Hoặc ngài nói lên lời cảm xúc vào một đêm trăng sáng ở hồ Tĩnh Tâm:

‘mênh mông vằng vặc phủ hồ trong

thấu suốt dòng xanh ánh cõi không

khoe sắc lâu đài tầng mây vút

lung linh tinh tú điểm theo dòng

bên cầu bóng quế lần theo bước

dưới mái làn sen nhẹ thoáng hương

trăng sáng tận soi trời cao thấp

sơn hà vạn dặm mãi nhìn trông’.   





   Qua hết dãy đồi thấp, xe đổ dốc xuống đàn Nam Giao mà vua Gia Long đã chọn địa điểm làng Dương Xuân để lập đàn tế lễ Trời hằng năm. Khuôn viên đàn Nam Giao hình chữ nhật được bao bọc bằng rừng thông xanh ngát. Sở dĩ nơi đây thành một rừng thông vi vút như vậy vì nghe truyền rằng, từ lúc mới xây Đàn, vua ra lệnh mỗi vị quan hoặc hoàng thân quốc thích trong triều thần và chính bản thân vua cùng tự trồng một cây thông (biểu tượng người quân tử) để gây cây thành rừng thông xanh mướt tăng thêm phần thanh nghiêm tươi đẹp. Vậy mà sau ngày miền Nam thân yêu bị CSBV cưỡng chiếm, họ chiếm luôn di tích văn hóa lịch sử của tổ tiên này làm nghĩa trang liệt sĩ cho họ để rừng thông tốt tươi xưa kia phải lụi tàn tơi tả, các án đàn thờ phượng bị phá hỏng hư nát tiêu điều. May nhờ làn sóng du lịch ở hải ngoại muốn được tham quan thăm viếng các di tích cố đô, họ mới vội cho chỉnh đốn phục trang để giữ lại di tích đổi lấy ngoại tệ thu về. Nếu không, chắc còn xảy ra nhiều cảnh đổ nát hư hao đáng tiếc nữa. Tôi nhớ đến vị Tướng công Nguyễn Công Trứ  thời nhà Nguyễn đã thán những câu rằng: ‘Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo’, không biết trước cảnh xâm chiếm phá hoại ngày này ông có còn muốn được làm cây thông đứng giữa đàn Nam Giao xơ xác ám bụi tham tàn kia không? Và liệu có reo lên được những tiếng cười ngạo nghễ hay phải than khóc ngậm ngùi bởi lớp cháu con đó chẳng biết gìn giữ, quý trọng gì đến công lao xây đắp của tiền nhân Tiên Tô?? Chắc là không. Vì thà làm thân cây chết khô hơn sống bằng giòng nước không trong sạch, bởi người quân tử không thể sống cùng những tiểu nhân gian manh hiểm độc.



Sông Hương - Núi Ngự

   Qua khỏi đàn Nam Giao, thấp thoáng núi Ngự Bình làm đẹp

thêm cảnh Kinh Thành trong bóng chiều hôm. Câu hát hò xứ Huế thường nghe hát mãi chợt văng vẳng bên tai: ‘Nước sông Hương còn thương chưa cạn, chim núi Ngự tìm bạn bay về!’, lúc trước nghe tôi chẳng cảm được gì, nay nghe lại mới thấy thấm thía và sao buồn da diết quá. Chẳng biết gốc tổ của những đàn chim năm xưa trên ngọn núi kia trải bao biến cố thăng trầm non nước đã lạc bầy xao xác mất lối bay về, còn tìm tổ ấm lại nơi đâu? Giòng suy nghĩ cũng làm tôi nhớ đến câu chuyện huyền sử đọc được trong sách vở: núi Ngự Bình cũng từng là nơi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ tế Trời khi quân Thanh đem hai mươi vạn quân sang đánh chiếm nước nhà, ngài lên ngôi vua lấy niên hiệu Quang Trung Hoàng Đế rồi cầm quân tiến thẳng ra Đống Đa, đạt được chiến thắng lẫy lừng, vang danh muôn thuở. Ôi, tiếng vó ngựa đoàn quân bách chiến ấy có bao giờ trở lại non nước này cho vận nước bớt điêu linh, sáng tỏ được ánh Tự Do Dân Tộc, thắm lại màu cờ chính nghĩa như năm xưa đã từng bách thắng.

   Kinh Thành Huế không quá lớn rộng và có lẽ cũng thay đổi rất nhiều so với những gì du khách biết được qua sách vở, thơ nhạc trước đây. Bởi chiến tranh kéo dài rồi thêm sự chịu đựng hao mòn phá nát gần ba mươi năm qua. Nhưng linh hồn ngàn năm văn vật của đất Huế vẫn tồn tại trên các địa danh, di tích trong lòng dân Việt với những tự hào về đất nước, tiền nhân. Nên chuyến đi lần đầu thăm Huế của tôi thực sự cảm thấy rất vui và đích đáng.



   Qua cầu Bến Ngự, vào trung tâm thành phố, chúng tôi lại trầm trồ khi nhìn thấy chiếc cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, bắc qua giòng sông Hương xanh biếc trong ánh chiều rơi chậm. Con đường Lê Lợi sầm uất đưa chúng tôi đi qua trường nữ trung học Đồng Khánh rồi Quốc Học Huế quét tường vôi gạch đỏ. Hai ngôi trường lớn đều ngó thẳng ra công viên sông Hương rũ bóng những hàng cây phượng vĩ, soi bóng nước xanh trong êm đềm, thấp thoáng thuyền neo bến đậu, thuyền chèo giữa khơi, nên chi đã tạo bao tâm hồn lai láng văn chương thi phú trên xứ đẹp đất xinh này.

   Khách sạn HH cũng nằm ngay trên đường Lê Lợi nên tối đó chúng tôi đi bộ đến nhà hàng nổi Sông Hương dùng cơm tối. Bữa ăn được dọn lên kèm theo nhiều món đặc sản như bánh khoái, bánh bèo, bột lọc... Tôi thích những món này, nhất là bánh khoái thì ngon quá nên ăn hơi nhiều và hầu như chỉ dùng một chút cơm canh với đồ xào, thức mặn thôi. Thức ăn ngon, cảnh đẹp nhưng chỉ khổ là buổi tối nhiều muỗi quá mà tôi lại mặc cái váy ngắn cho mát nên tha hồ bị đàn muỗi tới hỏi thăm. Nhà hàng cho chạy thêm mấy cái quạt máy vẫn không xua hết nổi đàn muỗi bay ngoài trời và dưới lòng sông này.



   Đường phố công viên ngay bờ sông khá vui với nhiều người đến đây hóng mát. Các cặp tình nhân trẻ cứ từng đôi dìu dắt nhau lượn quanh, tay trong tay chuyện trò. Nhìn họ và bầy con nít chạy giỡn đùa vui là mình đủ thấy lòng vui như thuở hồn nhiên rồi. Gần chín giờ tối về lại khách sạn, cả đoàn chúng tôi mướn mấy xe xích lô để đi dạo thành phố Huế về đêm cho biết. Cứ một giờ chạy là khoảng hai đô. Họ đưa chúng tôi đi qua cầu Trường Tiền, tới gần cầu Gia Hội mua nem tré rồi chạy dọc theo vòng đai Kinh Thành suốt theo con kênh dài ngăn hai dãy phố, bên này buôn bán phồn thịnh, bên kia là những ngôi nhà, biệt thự, có những khu vườn, chùa chiền đẹp đẽ. Xe vào cửa Đông Ba (Chánh Đông), giờ này xe cộ ra vào vẫn còn chen chúc, phố chợ còn mua bán đông vui. Đoàn xe nối đuôi nhau chở chúng tôi đi quanh thành Đại Nội phía bên ngoài, có nhiều đoạn đường tối thui chẳng nhìn thấy gì ngoài bức tường chắn cao, thôi thì ngắm nhà cửa bên đường vâ.y.



Tới một khu phố nào chẳng biết, đoàn xe dừng lại để giới thiệu chúng tôi mua bánh ke.o. Dù biết có thể mua đắt vì chủ nhân phải chia hoa hồng cho các tài xe nhưng chúng tôi cũng mua ào ào nào kẹo mạch nha, mè xửng, đậu phọng, trà, rượu, mắm ruốc, hạt sen, kẹo cau.v.v... vì vui thích và sợ ngày mai đi chơi không có đủ giờ mua sắm. Nghĩ thế nên tôi cứ mua trước là hơn. Đã khuya rồi nhưng chúng tôi còn rủ nhau đi ăn bún bò Huế cho biết nhưng thật ra món này cũng không đặc sắc gì so với hàng quán ở Mỹ e còn ngon hơn vì được nấu đầy đủ xương, thịt, chân giò gia vi.. Về tới khách sạn đã mười một giờ, tôi và mấy cô bạn chung nhóm còn kéo qua tiệm bán hàng Gift Shop trước cửa, đặt may áo kiểu, áo dài chỉ nội một ngày là có áo ngay. Lần này tôi chỉ chọn may những bộ áo dài bằng lụa tơ tằm. Tuy không bền và dễ nhăn nhưng tôi thích sự mềm mại óng ả như những chiếc áo dài thời mới lớn bằng tơ lụa nội hóa ngày xưa. Hồi còn đi học làm gì có tiền để mua các loại hàng vải đắt tiền lộng lẫy. Nhưng bây giờ đã mặc qua những chiếc áo lộng lẫy rồi, tôi vẫn thấy yêu thích và thèm mặc lại những hàng vải tơ lụa rẻ tiền đơn sơ ấy.



   Đi chơi, leo núi, dạo bộ cả ngày nên về đến phòng, tắm rửa xong, ngả lưng lên giường mới đọc được vài trang sách là tôi ngủ mất tiêu hồi nào không biết, đèn vẫn để sáng choang. Ngủ ngon nên buổi sáng hôm sau tôi tỉnh dậy sớm hơn chuông điện thoại dưới phòng lobby gọi đánh thức. Ham đi chơi nên tôi siêng, giỏi hơn ở nhà hay ngủ nướng và khó dậy sớm nổi.



Hoàng Thành xưa...



   Buổi sáng điểm tâm đầu tiên ở Huế, ngoài những món khác ra, còn có thêm bánh canh giò heo, cháo huyết và bánh ít trần khá ngon. Rồi lên đường qua chiếc cầu Trường Tiền đã quá quen thuộc với tên gọi nổi tiếng này bao năm mà chẳng hiểu sao bây giờ họ lại đổi tên thành cầu Phú Xuân làm gì không biết. Mới bẩy giờ sáng nên giòng sông Hương còn mờ biếc hơi sương, lành la.nh. Xe rẽ vào cửa Thượng Tứ, đậu lại bên ngoài thành Đại Nội nằm trong vòng đai Kinh Thành, xây theo sơ đồ hình vuông, đắp hào chung quanh  mà tối hôm qua bóng đêm đã không cho tôi thấy rõ được vòng hồ Kim Thủy này. Chúng tôi đi bộ vào cửa Hiển Nhân (cửa Ngọ Môn dùng để cho Vua, cửa Hiển Nhân bên tả dùng cho quan văn võ và binh lính, cửa Chương Đức bên hữu dành cho phi tần cung nữ) để xem năm khẩu đại bác (được đúc bằng đồng của nhà Tây Sơn) trong số chín Ông Súng được vua Gia Long sắc phong là ‘Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Công’.



   Tới trước cửa Ngọ Môn, chúng tôi đứng lại chụp hình. Ngọ Môn là cổng chính giữa mặt trước của Hoàng Thành hướng về phía Nam được hoàn chỉnh năm 1833 vào triều vua Minh Mang. Trước cổng là hai hồ sen đang nở hoa phủ kín mặt nước. Đứng trước để ngắm toàn thể cổng Ngọ Môn trông thật đồ sộ, tráng lệ với chín nóc cao thấp biểu tượng ‘Cửu Ngũ’ và năm lối đi gọi là ‘Ngũ Hành’. Đến gần du khách sẽ thấy rõ hơn lối cấu tạo rất mỹ thuật và tinh xảo của bảo vật cố đô này. Chúng tôi đi vào bằng cổng Tả Giáp Môn (ngày xưa cổng này dành cho các quan văn võ), rồi lên lầu Ngũ Phu.ng. Nơi đây chúng tôi được chị Thanh Loan có giọng nói Huế nhỏ nhẹ, dễ nghe là người phụ trách trong Hoàng Cung để hướng dẫn, trình bày cho chúng tôi những chi tiết của mỗi đền đài trong cung. Ngũ Phụng có hai tầng lầu, mái lợp theo kiểu âm dương bằng ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly. Chống đỡ cho ngôi lầu này là một trăm cây cột to bằng gỗ lim đen bóng. Trên lầu có một đại hồng chung thật lớn.



   Bằng con đường trục chính, chúng tôi đi qua cầu Trung Đạo có hồ Thái Dịch hai bên, tới sân rồng Đại Triều chu vi rộng lớn để bước lên Điện Thái Hòa là nơi ngự triều của vua trong những dịp thiết đại triều hoặc lễ lộc đặc biệt. Điện Thái Hòa nguy nga lộng lẫy thênh thang với lối kiến trúc từ mái ngói, đến khung sườn, kèo cột, nền đá hoa, trần thừa lưu được thiết kế hoành tráng và cách trang trí những hoa văn, rồng phượng, mặt trời được khắc chạm, đắp nổi khắp chung quanh thật mỹ lệ với nghệ thuật rất tài tình sống đô.ng. Nơi đâu cũng có rồng bay phượng múa, rồng chầu. Chính giữa điện là ngai vàng đặt trên ba tầng bệ, bên trên có mái rèm tán lộng thêu hình chín con rồng bay (tượng trưng thiên tử) cũng được thếp vàng lộng lẫy. Đất nước ta không còn vua bởi đã chấm dứt thời quân chủ, nhưng ngai vàng kia vẫn đường bệ uy nghi như hồn thiêng còn ngự tri.. Tôi liên tưởng tới những giờ phút oai phong ngày trước ở nơi này trong những buổi họp bàn việc nước của vua-tôi. Giang sơn Việt Nam đã trải qua bao thời phế hưng suy thịnh, từng dũng cảm kiên cường đấu tranh cho bờ cõi yên vui, độc lập - tự do - hạnh phúc mạnh giàu. Đã bao người nối gót hy sinh trong bao thế hê.. Sao vận nước giờ đây vẫn còn gian nan u tối, đời sống còn thấp kém, khổ nghèo, chậm tiến. Xin được thành tâm khấn cầu đến anh linh các vị Tổ Tiên vén hộ tấm màn u minh của chế độ cộng sản vô thần vẫn che đậy bưng bít lương dân.



   Sau đó chúng tôi được đưa đi tham quan tiếp một số nơi như Hiển Lâm Các là ngôi lầu ba tầng bằng gỗ, nơi ghi công đức vua chúa nhà Nguyễn và các công thần. Phía sau Hiển Lâm Các đặt chín cái đỉnh bằng đồng to cao được xếp thành hàng ngang gọi là Cửu Đỉnh trông rất hay và đặc biệt. Chín cái đỉnh này có chạm khắc hoa văn cảnh vật thật tinh vi sắc sảo. Mỗi đỉnh đúc một kiểu khác nhau: đỉnh quai xoắn, quai vuông, quai tròn với nhiều cảnh vật nên rất đa dạng và phong phú. Chín đỉnh với những tên riêng tượng trưng cho các vua nhà Nguyễn như: đỉnh Cao (vua Gia Long), đỉnh Nhơn (vua Minh Mạng), đỉnh Chương (vua Thiệu Trị), đỉnh Anh (vua Tự Đức), đỉnh Nghị (vua Kiến Phúc), đỉnh Thuần (vua Đồng Khánh), đỉnh Tuyên (vua Khải Định), đỉnh Dũ, đỉnh Huyền.



   Kế đến là Thế Miếu, Hưng Miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn cùng các Hoàng Hâ.u. Riêng điện Phụng Tiên cửa đóng then gài nằm im dưới bóng mát hàng cây cổ thụ vì nghe rằng những bảo vật châu báu ngọc ngà tàng trữ nơi đây đã bị mất gần hết, trong đó có thỏi vàng thờ là kỷ vật của vua Gia Long và Chánh phi Thừa Thiên Cao hoàng hậu cắt đôi để trao nhau làm tin khi ngài phải trên đường bôn tẩu. Ngày phục hưng đoàn viên, hai nửa thỏi vàng đã được ghép lại, ghi dấu sự chịu đựng gian khó, sự phù hộ của ơn trên và thủy chung của một mối tình cao đẹp. Con đường mé hữu dẫn qua chính trục Đại Cung Môn (cổng chính vào Tử Cẩm Thành đã bị hư hao vì chiến tranh) yên tĩnh và vắng vẻ, chỉ có tiếng ve sầu kêu ran đến nhức óc nếu phải nghe suốt ngày vì chắc là họ nhà ve đông lắm mới hợp thành khúc đại tấu vang lớn đến thế. Nhưng khi đứng trước cổng Đại Quan Môn nhìn vào khu vực Tử Cấm Thành là nơi biệt lập làm việc của vua và cũng là nơi giải trí, sinh hoạt hoàng gia của vua & hoàng hậu, các quý phi, thái tử, hoàng tử, công chúa và phi tần cung nữ, nay chỉ còn trơ nền đất trống hoang vu hoặc vài bức tường thành đổ nát điêu tàn do các biến cố chiến tranh, bom đạn phá hủy và đốt cháy từ nửa thế kỷ qua chưa khôi phục được.





   Giờ đây tôi mới hiểu, tiếng ve sầu là khúc nhạc buồn của mùa hè chia ly, nhưng những tàn phai đổ nát của Tử Cấm Thành nơi đây đã khiến loài ve phải khóc than thành tiếng lâm ly theo cảm mối u hoài thời dĩ vãng huy hoàng sao đành mất dấu tro bay!

   Điềm cuối cùng chúng tôi ghé vào vừa để nghỉ ngơi sau một vòng đi bộ quá dài vừa thay nhau mượn áo mão cân đai của vua chúa mặc vào rồi giả ngự trên ngai vàng với những bức hình chụp kỷ niệm ở nhà hát Duyệt Thị Đường thuộc Tử Cấm Thành còn sót la.i.



   Sáng nay khi bước chân vào Hoàng Thành, từ cổng Ngọ Môn đến điện Thái Hòa là những điện đài uy nghi lộng lẫy, hoành tráng và diễm lệ với bao kỳ công xây đắp đã cho tôi những phút giây thưởng lãm vui vẻ và hào hứng say mê, nhưng khi rời Đại Nội, hình ảnh hoang tàn xơ xác của Tử Cấm Thành làm tôi thấy buồn buồn, nuối tiếc, xót xa. Một thời là mảnh đất các triều đại vua chúa sinh sống rộn ràng, trăm hoa đua nở khắp vườn Ngự Uyển xinh tươi giờ đã mất dấu tan theo cát bụi cùng những người thiên cổ, đã khuất chìm trong khói lửa, tang thương!

(còn tiếp)



ngọc thủy, mùa hè 2004


  





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét